Kính thưa các thầy giáo, cô giáo?
Chào toàn thể các em học sinh thân yêu.
Thế giới động vật sống trên Trái Đất chúng ta thật phong phú. Đó là những con cá tung tăng bơi lội dưới nước, là hàng đàn chim bay lượn trên trời, những con thú chạy nhảy trên mặt đất và còn biết bao ếch, nhái, rắn và bò sát khác. Trong thế giới phong phú này, chiếm số lượng nhiều nhất phải kể đến họ hàng nhà côn trùng (80%). Hiếm có chỗ nào, cho dù ở dưới nước, trên cạn hay trong lòng đất mà ta lại không gặp những con côn trùng. Dấu tích của côn trùng có rải rác khắp mọi ngõ ngách trên hành tinh chúng ta. Chúng sống tự do, sống ký sinh hoặc cùng chung sống trên cơ thể các sinh vật sống khác. Côn trùng chính là những động vật không xương sống biết bay xuất hiện sớm nhất trên hành tinh. Đời sống của côn trùng cũng luôn gắn bó mật thiết và không tách rời với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Cuốn sách Thế giới côn trùng do Thục Anh làm chủ biên được Nhà xuất bản trẻ ấn hành năm 2005 đã cung cấp cho chúng ta nhiều nguồn thông tin mới mẻ, hấp dẫn về các loài sinh vật ấy. Cuốn sách dày 54 trang, Khổ sách 14,3cmx20,3cm với những hình ảnh minh họa sống động về một thế giới côn trùng đa chủng dạng.
Thế giới côn trùng cung cấp cho cho các em thông tin và hình ảnh chuẩn xác về đời sống đa dạng cũng như những thực nghiệm thú vị về các chú sâu bướm bắp cải, đội quân kiến... Đây là những con vật nhỏ bé, linh hoạt và có khả năng tồn tại rất cao, đã có mặt trên hành tinh của chúng ta từ rất lâu, trước khi con người xuất hiện. Khả năng sinh tồn, sức sống cạnh sinh, sự sinh sản của côn trùng thật đáng kinh ngạc
Hình dáng của côn trùng đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Cơ thể côn trùng mang những đặc điểm riêng, với kích cỡ tương đối nhỏ bé. Hình thái bên ngoài của chúng rất đặc trưng, thường được bao bọc bởi lớp màng bảo vệ cứng, gọi là vỏ kitin. Cấu tạo cơ thể của côn trùng là một bộ máy khá hoàn chỉnh và cực kỳ phức tạp, được chia ra các phần cơ bản gồm: đầu, ngực, bụng, chân, mắt kép, đôi râu. Tuy có kích thước nhỏ bé nhưng râu của côn trùng có thể so sánh với các cột Antten của một đài thông tin cỡ lớn hiện nay. Đại đa số côn trùng đều có mắt kép lớn, được tạo thành bởi nhiều ô mắt nhỏ hình lục giác thuôn dài…
Không gì thú vị hơn khi chúng ta đi ở ven rừng hay trong vườn cây ăn quả, tình cờ có lúc ta chạm vào những lá cây. Rồi thật bất ngờ nghe thấy những tiếng rơi lộp bộp như tiếng những viên bi nhỏ rơi từ trên vòm cây xanh xuống. Nhưng sau đó, những viên bi này lại bất ngờ chuyển động. Đó là những biểu hiện của tập tính tự vệ đặc trưng của nhóm côn trùng này, giả chết khi có động…
Mỗi ngày, khi ta bước chân ra khỏi thềm nhà, có ai chợt nghĩ đến việc mình đang giẫm lên hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu cơ thể sinh vật sống? Đọc cuốn sách ta như thấy mình đang lạc vào thế giới của các loài côn trùng rực rỡ sắc màu. Nào là những con bọ ăn lá, bọ cánh cứng, bọ rùa... Trông chúng thật đẹp! Màu sắc của chúng mới lấp lánh làm sao! Có loài côn trùng, màu sắc đẹp đẽ của chúng cho đến khi chúng chết vẫn không thay đổi.
Các em đã bao giờ quan sát xem con ong, bớm, và côn trùng thưởng thức hương vị chưa? Thật thú vị! Hầu hết các côn trùng đều thưởng thức hương vị bằng đôi râu - anten và cũng là kênh tiếp nhận cảm giác, mùi vị quan trọng nhất của chúng. Khi mùi vị của hoa trái, của thức ăn, của đồng loại hay kẻ thù truyền theo không khí, côn trùng có thể phân biệt rõ để bay đến hay bay tránh xa.
Đối với tuổi thơ của mỗi chúng ta, ai cũng có riêng cho mình một vài con côn trùng yêu thích trong những buổi trưa hè trốn ngủ đi chơi, hay những buổi tối cùng nhau chơi trốn tìm. Có thể là những cánh bớm dập dờn, một vài con chuồn chuồn ớt, vài con bọ ngựa, châu chấu, cánh cam, hay vài con đom đóm lập lòe trong đêm. Đom đóm phát sáng thuộc bộ côn trùng cánh cứng, với hai nhóm là họ đom đóm bay và họ đom đóm bò ở đất, không bao giờ bay... Để có thể bay lượn và phát sáng lập lòe, đom đóm phải qua quá trình phát triển biến thái hoàn toàn với bốn giai đoạn khác nhau từ trứng, ấu trùng, nhộng, đến con trưởng thành. Ánh sáng của đom đóm được phát ra từ một vài đốt cuối bụng. Và ánh sáng lập lòe có ý nghĩa như một tín hiệu quan trọng trong sự hình thành các biểu hiện tập tính sống của đom đóm.
Bên cạnh những con côn trùng đáng yêu ấy còn có rất nhiều loại côn trùng gây hại như gián, rết, bọ cạp… Nhờ đặc tính ngửi được mùi hương của côn trùng mà con người đã chế ra thuốc dụ côn trùng có hại đến để tiêu diệt chúng.
Thế giới côn trùng trong thiên nhiên thật đa dạng và muôn vẻ. Chúng không ngừng sinh sôi, nảy nở và phát triển. Trong đời sống của mình, chúng có mối quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết, phức tạp đối với môi trường sống xung quanh. Đó là mối quan hệ giữa các con vật với nhau không phải một sớm một chiều mà có được. Đấy là hệ quả của một quá trình phát triển, tiến hóa và thích nghi lâu dài. Trong mối quan hệ đó, có mối quan hệ dựa vào nhau, cùng có ích và giúp đỡ lẫn nhau. Có mối quan hệ qua lại là cuộc cạnh tranh sinh tồn, tranh giành và tiêu diệt lẫn nhau, một mất một còn. Hy vọng cuốn sách Thế giới côn trùngsẽ mang đến cho các em nhiều bất ngờ đặc biệt cho những ai thích khám phá, tìm tòi những điều mới lạ xung quanh. Bởi thế giới côn trùng vốn đông nhất trên hành tinh của chúng ta luôn đầy ắp những điều thú vị.
Mời các em tìm đọc và khám phá.