Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời xưa đến nay. Truyền thống ấy thể hiện rõ nét nhất trong ngày 20 -11 hằng năm - ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) thư viện trường TH Sài Đồng trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em quyển sách “Nghề thầy”. Cuốn sách Nghề thầy của tác giả Hoàng Đạo Thúy, ông sinh năm 1900 mất 1994 là một nhà giáo nổi tiếng của Việt Nam nữa đầu thế kỷ XX. Tác phẩm Nghề thầy được xuất bản lần đầu tiên năm 1944 và được NXB Hội Nhà văn tái bản mới nhất năm 2020, sách được viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy giáo.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Thầy cô đã giúp cho chúng ta có được chìa khóa để mở cửa lâu đài tri thức của nhân loại, là người chắp cánh ước mơ cho chúng ta bay cao bay xa, cung cấp hành trang kiến thức cho chúng ta bước vào đời và thành công trong cuộc sống.
Khi lần giở trên tay từng trang sách, chúng ta không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng và sau đó là xúc động. Thật kỳ lạ là đã gần 80 năm trôi qua tác giả đã viết nên những câu chữ mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí, vẫn mang tính thời sự. Ngay từ đầu quyển sách, là sự nhìn nhận lại từ bên trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam, để nêu ra một phương pháp giáo dục đầy tính nhân văn. Giáo dục học sinh cần phải có sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và người thầy và mục đích của người thầy là đem nguồn tri thức và rèn dũa sao cho các em nên người.
Trong xã hội ngày nay vai trò và sự cần thiết của người nhà giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà người thầy còn là mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Vì thế tác giả đã dành một dung lượng đáng kể cho việc phân tích nội dung này. Theo ông, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ sinh ra bằng việc biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt. Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của học sinh giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng.
“Tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy là phải, để bày tỏ khát vọng về mọi thế hệ thầy cô giáo trọn lòng hiến dâng đời mình cho việc giáo dục thanh thiếu niên.
Người thầy đem đến nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục độc đáo đối với học sinh, từ thực tiễn cho đến những triết lý sâu xa nhằm giáo dục học sinh nên người. Làm thầy cô giáo là công việc lớn lao, phải làm sao thay đổi tương lai nòi giống, sứ mệnh đó đặt lên đôi vai của người thầy giáo là lòng tin yêu học sinh, đem những kiến thức truyền đạt cho các em để trở thành người tài giỏi cho đất nước.
Ngoài ra cuốn sách còn nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện, trong đó người thầy trở thành một nhà giáo dục nhà phải để tâm đến “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Đặc biệt, muốn biết một học sinh trong có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi, ngoan hay không ngoan thì người thầy phải thường xuyên “rèn luyện nghị lực”, “giáo dục năng lực vượt khó”, “giáo dục năng lực kiểm soát bản thân” cho các em. Người thầy phải có nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn, nhân văn. Giáo dục với người thầy cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hằng ngày hằng giờ với những việc nhỏ nhặt nhất như thăm hỏi động viên bằng lời nói cho đến cách dạy học, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh bằng những hoạt động trải nghiệm mà chính bản thân người thầy đã trải qua. Người thầy trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em gần gũi và yêu thương các em.
Mời quý thầy, cô giáo và các em hãy đến với một trích đoạn mà tác giả Hoàng Đạo Thúy viết nên bằng chính tâm huyết của mình và nó trở thành một sứ mạnh mà người thầy phải là người thực hiện sứ mệnh đó “Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa ai viết vào đấy? Phần ông thấy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan, ông giúp cho trò tự viết vào là hơn, nét sẽ rành rọt, toàn cảnh sẽ tươi tỉnh hơn, mà tờ giấy rồi dùng được. Ông mà viết lấy thì trò đành phải chịu, nhưng rồi nó sẽ chỉ chực quên đi, rồi ra giả dối suốt đời”
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Công ơn thầy cô hôm qua, hôm nay và sẽ mãi mãi còn được khắc ghi trong trái tim mỗi học trò. Cuốn sách “Nghề thầy” sẽ là món quà tinh thần vô giá dành tặng các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Hy vọng qua bài giới thiệu sách hôm nay, quý thầy cô và các em hãy tìm và đọc cuốn sách “Nghề thầy” tại thư viện trường nhé, để có thể cảm nhận hết những cái hay cái đẹp của mỗi câu chuyện về nghề giáo. Kính chúc quý thầy cô giáo thật nhiều sức khỏe để vững tay lái chở học trò đến bến bờ tri thức và thành công trong sự nghiệp. Chúc các em học sinh hãy ra sức phấn đấu học tập để hái thật nhiều những bông hoa điểm tốt dâng tặng các thầy, cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Xin trân trọng cảm ơn!