Theo kế hoạch, đúng 8 giờ sáng, cùng với các cô giáo trong Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo chủ nhệm, các bạn học sinh lớp 3 trường Tiểu học Sài Đồng háo hức và thích thú khi được tham gia chuyến tham quan đầy ý nghĩa này. Điểm dừng chân đầu tiên, các em được tham quan, tìm hiểu về đình Thổ Khối thuộc phường Cự Khối, một trong những ngôi đình đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vào ngày 09/01/1990. Ngôi đình được xây dựng trên khu đất cao và rộng, đình quang, hướng chính Tây nhìn ra sông Hồng. Qua phần giới thiệu của đại diện Ban quản lý di tích đình làng Thổ Khối, thầy và trò nhà trường được biết đình Thổ Khối thờ 6 vị thần: Ông thành Hoàng làng Đào Duy Trinh, Cao Sơn Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, Bố Cái Đại Vương, Bạch Đà Đại Vương, Dị Mệ Đại Vương.
Đình Thổ Khối là một quần thể kiến trúc bao gồm tòa Tiền Tế và tòa Đại Đình nằm song song với nhau. Tiền Tế có 7 gian, hai tầng, bốn mái, bên trong là những cột đá được xây dựng từ đầu thế kỉ XX. Đại Đình được xây theo truyền thống mái cong, ngói mũi hài, cột lim, xung quanh xây bằng gạch Bát Tràng, Tòa Đại Đình được xác đinh xây vào thời Nguyễn, trải qua năm tháng, đình được sửa chữa nhiều lần tồn tại cho đến ngày nay. Qua Đại Đình là hai dãy nhà gọi là cung ngoài và cung cấm đều xây ba gian bằng gạch Bát Tràng. Bên trong cung cấm đặt 6 bài vị của 6 vị thần được thờ ở đình. Trong đình Thổ Khối hiện nay còn lưu giữ 6 ngai thờ và bài vị của Lục Vị Đại Vương được xác đình từ thế kỉ XVII, XVIII, 6 kiệu Bát Cống, mỗi kiệu 8 người khiêng trong đó có 2 chiếc kiệu niên hiệu thế kỉ XVIII, đặc biệt đình còn lưu giữ được 73 đạo sắc phong của các triều đại vua cho 6 vị đại vương và 6 sắc phong cho 2 bà Tùng Hoa và Xuân Dung công chúa.
Điểm dừng chân thứ 2 trong chuyến tham quan là Đến Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn. Đoàn tham quan đã được các ông trong Ban di tích lịch sử của đền giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của Đền Trấn Vũ. Đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán” hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền Trấn Vũ là nơi thờ Thần Huyền Thiên Trấn Vũ- một trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương. Người dân nơi đây luôn coi bức tượng Thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong đến Trấn Vũ như một bảo vật, nhắc nhớ đến sự kiện quan trọng liên quan đến việc chống lũ lụt và trấn phương Bắc, chống ngoại xâm, giữ gìn lãnh thổ của ông cha ta. Đền hiện nay toạ lạc trên thế đất quy xà hội tụ, mặt quay về hướng bắc. Bên trong hậu cung, tượng thần Trấn Vũ được đặt ở giữa. Bên ngoài hậu cung có tấm bia đá cổ dựng cạnh lối cửa hậu thông sang chùa Cự Linh.
Tháng 12-2015 tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Ngọc Trì được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng cao 396cm, nặng khoảng 4 tấn, là một trong hai pho tượng lớn nhất Việt Nam cho đến giữa thế kỷ XX và một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng nước ta thời xưa. Tượng đúc liền khối, mặt ngoài có sơn thếp, được tạc với dáng vẻ của một đạo sĩ, đầu trần, tay trái bắt quyết, tay phải tỳ đốc kiếm chống lên lưng một con rùa, thân kiếm có hình một con rắn quấn quanh, chân để trần. Ngày 27/12/1990, đền Trấn Vũ được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia. Ngày 21/4/2015, “Kéo co ngồi” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chuyến tham quan đã để lại nhiều ấn tượng và bài học lịch sử bổ ích đối với thầy và trò trường Tiểu học Sài Đồng. Tại đây, các em học sinh hiểu thêm hơn nữa về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương xung quanh nơi mình sinh sống trên địa bàn quận Long Biên. Từ đó, các em thêm yêu và tự hào về đất nước, quê hương mình.