Nhiều năm trong sự nghiệp trồng người, tôi đã gặp rất nhiều học sinh với những hoàn cảnh khác nhau. Có em bố mẹ ly hôn, có em bố hoặc mẹ mất. Dù được sự quan tâm chăm sóc hết lòng của những người thân nhưng trong lòng các em vẫn thấy trống vắng, có những nỗi niềm riêng khó nói nên lời. Việc gia đình không trọn vẹn phần nào ảnh hưởng đễn cuộc sống và học tập của các em. Có những em không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập nhưng cũng có những em ảnh hưởng khá nhiều. Việc thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cả cha lẫn mẹ mà vẫn vươn lên học tập tốt đúng là một tấm gương sáng để các em học sinh khác học tập và noi theo. Em Trương Thế Phương, học sinh lớp 3A trường Tiểu học sài Đồng năm học 2017-2018 là một trường hợp như vậy.
Thế Phương sinh ngày 16/7/2009 trong một gia đình bình thường như bao gia đình khác ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Thế nhưng thật không may khi bố mẹ em ly hôn , không cùng sống chung trong một gia đình. Mẹ có gia đình mới, bố suy thận nặng, một tuần phải đến chạy thận ở bệnh viện tới 4 lần. Em sống trong tình thương yêu đùm bọc của ông bà nội. Bản thân em sức khỏe cũng không tốt, hay ốm đau. Nhưng vượt lên tất cả, em vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Nhìn cậu học trò thân hình mảnh khảnh, nước da trắng trẻo với đôi mắt đen tròn luôn ánh lên vẻ thơ ngây trong sáng, nhiều lúc trong lòng tôi cũng cảm thấy nao nao. Trước đây tôi cũng đã từng dạy bố cháu, cũng khuôn mặt gần như vậy, cũng nước da trắng trẻo, cũng đôi mắt to tròn ánh lên vẻ thông minh. Nhưng tuổi thơ của bố em hạnh phúc hơn của em vì được sống trong tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ. Vì vậy hiếm khi nhìn thấy nét buồn trên khuôn mặt người bố. Còn Phương, em vẫn hồn nhiên, vẫn vô tư như bao bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng nhiều lúc trên gương mặt em hiện lên những nỗi buồn đau đáu. Nhiều khi tôi hỏi thăm về bố mẹ em, em vẫn vô tư trả lời như không có chuyện gì xảy ra: “ Con thưa cô, tháng trước mẹ con mua cho con một cái áo cô ạ, mẹ mua cho cả em bé con nữa” ( em bé ở đây là con của mẹ với người chồng sau). Hỏi con hè vừa rồi con có được đi tắm biển không, con trả lời:” Có, cô ạ, con được đi với cô con, những 3 ngày cơ”. Nhìn con vô tư, tôi không khỏi chạnh lòng. Các em khác thì khoe được đi với bố mẹ, còn em khoe được đi với cô. Biết làm sao được, có lẽ cô em cũng sợ em quá thiệt thòi nên cũng bù đắp cho em phần nào.
Về học tập, em luôn là học sinh chăm chỉ, trong lớp rất hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài. Ở lớp 3A có ba em tích cực phát biểu nhất thì trong đó có em. Những câu trả lời của em rất rõ ràng, khúc chiết. Bài vở em luôn chuẩn bị đầy đủ, chữ viết sạch đẹp, rõ ràng. Chính vì vậy năm học 2017- 2018, em đã đạt danh hiệu: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.
Về quan hệ với bạn bè, em rất hòa đồng, ít khi to tiếng hay cãi cọ với ai. Bạn bè rất yêu mến em. Nhìn các em ôm vai bá cổ nhau chơi đùa, vô tư hồn nhiên, trong lòng mỗi giáo viên như chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Em rất tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè, ân cần hỏi thăm bạn khi bạn có chuyện buồn, sẵn sàng cho bạn mượn cái bút tốt của mình, còn mình viết cái bút xấu hơn. Có lần các em xúm xít vào nhau cùng đọc một cuốn truyện và tranh cãi, ai cũng cho là mình đúng. Có em mặt đỏ phừng phừng, có em giơ tay giơ chân như sắp có cuộc ẩu đả đến nơi. Chính em là người đã đúng ra phân xử, giảng giải cho các bạn hiểu. Nhìn em như một thuyết trình viên thực sự. Các bạn khác đã hiểu ra và không tranh cãi nữa.
Với các phong trào của lớp, em luôn tham gia rất nhiệt tình. Có lần Ban phụ trách Đội phát động phong trào thu gom kế hoạch nhỏ đúng những hôm em bị ốm phải nghỉ học ở nhà. Trong thâm tâm, tôi nghĩ em không nộp cũng không sao. Nhưng sáng hôm sau tôi thấy bà em khệ nệ xách đến một chồng bìa và bảo rằng cháu bảo bà phải nộp kế hoạch nhỏ giúp cháu. Nhìn cảnh bà xách chồng bìa nặng từ cổng trường vào lớp học, thương cháu một phần, thương bà càng nhiều hơn. Vừa chăm sóc bố cháu ốm đau bệnh tật, vừa lo cho đứa cháu nội bẻ bỏng, ai mà không thấy chạnh lòng.
Năm học 2018- 2019 này, tuy tôi không dạy em nữa, em đã được học cô giáo mới. Nhưng mỗi lần nhìn vào vị trí em hay ngồi, tôi lại nhớ đến em. Hôm trước gặp em trên sân trường, tôi có hỏi thăm về tình hình gia đình em hiện nay. Em nói bệnh của bố ngày càng nặng thêm. Đêm đêm, em ngủ cùng phòng với bố và bà nội. Tôi có hỏi tại sao lại như vậy. Em nói em ngủ cùng phòng với bố và bà để đêm đêm vỗ lưng cho bố. Em đúng là một đứa con có hiếu. Tôi lại hỏi: “ Con thức đêm như thế thì hôm sau đi học làm sao đươc?”. Em vẫn hồn nhiên trả lời: “ Cô ơi, bà nội con thì mất ngủ chứ con vỗ lưng xong cho bố nằm xuống lại ngủ được ngay.” Tôi có hỏi:” Sau này con mơ ước làm nghề gì? ”. Em trả lời: “ Con mơ ước làm diễn viên cô ạ.” Tôi có phần hơi ngạc nhiên nhưng em giải thích rằng vì cả nhà bảo con làm nghề ấy hợp, vừa khóc lại cười được ngay. Hỏi tại sao như vậy, em nói vì tâm trạng con như thế. Tôi lại hỏi con còn mơ ước điều gì nữa không, em nói:“Con mơ ước cả nhà được sống chung, có cả bố và mẹ.” Một mơ ước thật giản đơn nhưng điều đó là không thể đối với em. Bố em không biết cuộc sống còn kéo dài được bao lâu, còn mẹ một năm chỉ đến thăm em được một đôi lần. Nghĩ mà tội nghiệp. Ông bà nội của em đã già yếu, còn có thể lo cho em được bao nhiêu lâu nữa. Nhưng tôi tin rằng với sự quan tâm giúp đỡ cả về về vật chất và tinh thần của các cấp chính quyền, của trường Tiểu học sài Đồng cùng với quyết tâm của em, tình thương yêu của ông bà nội dành cho, em sẽ đạt được nhưng ước mơ của cuộc đời mình. Để đạt được điều đó, em còn một chặng đường dài khó khăn ở phía trước. Mong rằng em có đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, một tương lai tốt đẹp vẫn đang chờ đợi em . Hãy cố gắng lên Phương nhé!
Mong rằng những học sinh có hoàn cảnh như Trương Thế Phương sẽ luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ của các ban ngành đoàn thể địa phương, các tổ chức xã hội để các em có điều kiện chắp cánh cho những ước mơ chính đáng của các em được trở thành hiện thực.